Với bản tính hòa đồng, khoan dung tôn giáo, người Việt Nam luôn cởi mở trong việc du nhập và dung dưỡng nhiều loại hình tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau, nếu các tôn giáo, tín ngưỡng đó không đi ngược lại với lợi ích của quốc gia, dân tộc, biết tôn trọng văn hóa bản địa. Chính vì thế, dù là một quốc gia đa tôn giáo, đa dân tộc song nước ta không có hiện tượng xung đột tôn giáo.
Kể từ khi giành được độc lập, Ðảng và Nhà nước ta luôn chú trọng giữ gìn đoàn kết tôn giáo, chủ động tập hợp, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp, huy động nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước.
Ðiều 3, Luật Tín ngưỡng Tôn giáo 2016 quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo như sau: Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân; Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.
Thực tế cho thấy, trải qua nhiều biến cố của lịch sử, các tôn giáo ở Việt Nam luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nổi bật trong thời gian qua là sự đồng hành, tham gia tích cực của lực lượng chức sắc, chức việc, nhà tu hành trong công tác xã hội, phòng, chống dịch, thiện nguyện, xây dựng nếp sống mới… góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước, thắt chặt khối đại đoàn kết dân tộc.
Mặc dù vậy, với dã tâm đen tối các thế lực thù địch luôn thực hiện nhiều âm mưu, thủ đoạn hòng chia rẽ, phá vỡ khối đoàn kết tôn giáo nói riêng, đại đoàn kết dân tộc nói chung. Chúng lợi dụng triệt để sự phát triển phong phú, đa dạng của các tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam để tung ra các luận điệu kích động, gây chia rẽ người dân, chia rẽ giữa các tôn giáo với nhau, tạo mâu thuẫn trong nội bộ tôn giáo. Những năm gần đây, chiêu bài chủ yếu được các tổ chức phản động, cực đoan thực hiện là xuyên tạc quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo trong các công ước quốc tế, ngang nhiên cho rằng đây là một quyền dân sự tuyệt đối. Chúng cố tình lờ đi quy định tại Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị đã khẳng định: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác” (khoản 3 Ðiều 18 Công ước).
Những tổ chức, cá nhân phản động, chống phá thường xuyên xúi giục, lôi kéo một số giáo chức, nhà tu hành và công dân theo tôn giáo tham gia các vụ việc gây rối an ninh, trật tự, an toàn xã hội dưới vỏ bọc “hoạt động hành lễ”, nhất là trong giai đoạn đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Ở nước ngoài, chúng tiếp tục ban hành nhiều bản kiến nghị, thư ngỏ, báo cáo xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19, vu cáo biện pháp giãn cách xã hội, cách ly y tế với người nhiễm và có nguy cơ cao nhiễm Covid-19, là đàn áp tôn giáo. Ðiều này không những gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch mà còn gián tiếp tạo ra bức xúc trong dư luận, nhất là trong quần chúng nhân dân không theo tôn giáo, khiến một bộ phận người dân thiếu thông tin, thiếu hiểu biết có cái nhìn, nhận định tiêu cực, không thiện cảm về một số tôn giáo, tín ngưỡng.
Ðồng thời dưới vỏ bọc tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử, tín ngưỡng và pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng, các đối tượng xấu thường xuyên công bố những “nghiên cứu tôn giáo”, mục đích chính là hạ thấp uy tín, gây chia rẽ nội bộ trong các tổ chức tôn giáo lớn như Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Công giáo Việt Nam,…
Từ những thông tin bịa đặt, sai sự thật chúng bôi đen sự hình thành và phát triển các giáo hội, xúc phạm, bôi nhọ, danh dự, nhân phẩm của một số chức sắc tôn giáo. Nguyện vọng thống nhất Phật giáo Việt Nam của các tổ chức Giáo hội, tổ chức Hội và các Hệ phái Phật giáo vốn rất chính đáng và mang tính tất yếu khách quan đã bị ngụy tạo trắng trợn là “chiến dịch triệt hạ những nhân sĩ, tu sĩ Phật giáo có tinh thần phản kháng việc chính trị hóa tôn giáo này”.
Một số tác giả còn dùng nhiều lời lẽ lăng mạ các chức sắc tôn giáo đức cao, vọng trọng chỉ vì những cá nhân này tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thường xuyên khuyên nhủ tín đồ tuân thủ chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đây họ ra sức miệt thị các nhà tu hành bằng nhiều cụm từ có tính xúc phạm mà lờ đi thực tế là những chức sắc tôn giáo do các giáo hội bổ nhiệm, tấn phong độc lập, không có bất kỳ sự can thiệp nào của Nhà nước.
Cũng vì chứa nội dung ngụy khoa học với nhiều tình tiết giật gân, bôi nhọ tôn giáo cho nên hầu hết các bài viết xuyên tạc, sai sự thật như vậy chỉ được đăng tải trên các tài khoản cá nhân, nhóm (group), fanpage và một số tờ báo chống cộng ở hải ngoại. Ngay khi được công bố trên các website, fanpage, chúng đã vấp phải nhiều sự chỉ trích, phê phán từ cộng đồng học thuật, các chức sắc tôn giáo cho đến đại bộ phận nhân dân.
Tuy nhiên, những nội dung xấu, độc này vẫn thu hút được một vài người đọc tò mò, hiếu kỳ, thiếu tư duy phản biện và kiểm chứng, dẫn đến hệ quả, vẫn tồn tại hiện tượng người dân chia sẻ, phát tán các bài viết mạo danh nghiên cứu tôn giáo trên không gian mạng.
Tại Việt Nam, các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước nghiêm cấm các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Mặt khác, các lãnh đạo Ðảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đến tất cả hoạt động, sự kiện tôn giáo lớn trong cả nước.
Có thể điểm qua một số sự kiện nổi bật thời gian qua như: Ngày 19/3/2022, Bí thư Trung ương Ðảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ðỗ Văn Chiến cùng đoàn công tác đã đến thăm chức sắc tôn giáo tại Hội thánh Cao đài Tây Ninh; đồng chí Ðỗ Văn Chiến cũng thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước thăm các chức sắc Phật giáo tại Thành phố Hồ Chí Minh nhân lễ Phật đản 2011. Ngày 19/10 vừa qua, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã đến thăm và chúc mừng Giám mục Giuse Nguyễn Năng trở thành Tân Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam…
Một vấn đề đáng lưu tâm nổi lên gần đây là sự xuất hiện của các hiện tượng tôn giáo mới tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột tôn giáo do mang màu sắc mê tín dị đoan, lợi dụng lòng tin của người dân để trục lợi.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Trưởng Ban Tôn giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận định: “Một số hiện tượng tôn giáo mới đã công kích tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống, hợp pháp, làm nảy sinh các mâu thuẫn. Ở đây, hiện tượng tôn giáo mới đã làm phức tạp hóa nhận thức người dân, khiến họ phân biệt thiếu toàn diện giữa đúng và sai, tốt và xấu, gây ảnh hưởng không tốt đến khối đại đoàn kết dân tộc. Một số hiện tượng tôn giáo mới có mối quan hệ chỉ đạo, hỗ trợ về vật chất của thế lực xấu ở nước ngoài, ít nhiều gây rạn nứt khối đại đoàn kết dân tộc, làm cho hệ thống chính trị ở một số cơ sở giảm hiệu lực và uy tín”.
Như vậy, trước những mặt trái của sự đa dạng tôn giáo, tín ngưỡng cùng âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch; nguy cơ xung đột, mất đoàn kết tôn giáo tại Việt Nam có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo, bao gồm việc ban hành nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.
Bên cạnh đó, cần chú ý, đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo, nhất là tại các địa bàn như Tây Bắc, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung; xây dựng được một lực lượng làm công tác tôn giáo có năng lực, nhạy bén và tinh tế trong việc xử lý những điểm nóng về mâu thuẫn, mất đoàn kết tôn giáo. Không những vậy, họ phải là những cán bộ có ảnh hưởng xã hội, có tiếng nói, biết tập hợp, đoàn kết các tôn giáo cùng hiệp lực để đương đầu, giải quyết các khó khăn, thách thức nảy sinh trong cuộc sống.
Quan trọng hơn cả, các tôn giáo cần tiếp tục gìn giữ truyền thống đoàn kết, tương trợ lẫn nhau vốn đã tồn tại xuyên suốt trong nhiều thế kỷ ở nước ta. Bởi, chỉ khi các tôn giáo duy trì và phát huy lẽ sống “tốt đời, đẹp đạo”, gắn bó với dân tộc, đồng hành cùng đất nước, khối đoàn kết tôn giáo mới thật sự là tấm khiên vững chắc trước sự tấn công của giặc ngoại xâm cho đến các tổ chức thù địch, chống phá ./.
QUANG MINH (nhandan.vn)