MỘT SỐ QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ
PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH
(Biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ,
hỗ trợ người bị bạo lực gia đình)
* Biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình bao gồm:
– Buộc chấm dứt hành vi bạo lực gia đình;
– Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;
– Cấm tiếp xúc;
– Bố trí nơi tạm lánh và hỗ trợ nhu cầu thiết yếu;
– Chăm sóc, điều trị người bị bạo lực gia đình;
– Trợ giúp pháp lý và tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với hành vi bạo lực gia đình;
– Giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình;
– Góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư;
– Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng;
– Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ người bị hại theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự đối với người có hành vi bạo lực gia đình.
* Một số biện pháp cụ thể:
– Buộc chấm dứt hành vi bạo lực gia đình:
Người có thẩm quyền giải quyết vụ việc bạo lực gia đình được áp dụng ngay các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để chấm dứt hành vi bạo lực gia đình.
Người có mặt tại nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình theo khả năng của mình và tính chất của hành vi bạo lực gia đình có trách nhiệm yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình.
– Cấm tiếp xúc:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc mỗi lần không quá 03 ngày trong các trường hợp sau đây:
+ Có đề nghị của người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đối với hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình.
Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đề nghị thì phải được sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình hoặc người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình;
+ Hành vi bạo lực gia đình đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình.
(Điều 22, Điều 23, Điều 25 Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022)