Không để dịch sốt xuất huyết bùng phát

Từ đầu tháng 2 đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có dấu hiệu gia tăng. Thời tiết nắng mưa thất thường trong những ngày gần đây đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn sinh sôi, dẫn tới nguy cơ bùng phát dịch.

Gia tăng số ca mắc

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến giữa tháng 2, toàn tỉnh ghi nhận 470 ca mắc SXH. Trong đó, thị xã Ninh Hòa 237 ca, TP. Nha Trang 119 ca, huyện Vạn Ninh 40 ca, huyện Diên Khánh 22 ca, huyện Cam Lâm 20 ca, TP. Cam Ranh 17 ca, huyện Khánh Vĩnh 13 ca và huyện Khánh Sơn 2 ca.

Cán bộ y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kiểm tra dụng cụ chứa nước  tại nhà một hộ dân ở TP. Nha Trang.
Cán bộ y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kiểm tra dụng cụ chứa nước tại nhà một hộ dân ở TP. Nha Trang.

Nếu trong tháng 1, toàn tỉnh ghi nhận 308 ca thì nửa đầu tháng 2, số ca mắc mới là 162 ca. Riêng trong tuần thứ 6, toàn tỉnh ghi nhận 98 ca mắc SXH, cao nhất trong các tuần. Ninh Hòa có số ca mắc cao nhất, tập trung chủ yếu ở các xã, phường: Ninh Thủy, Ninh Đông, Ninh Phú, Ninh Phụng, Ninh Thân, Ninh Thượng, Ninh Trung. Hiện nay, toàn tỉnh ghi nhận 23 ổ dịch đang hoạt động. Cụ thể: Cam Lâm 1 ổ dịch, Nha Trang 10 ổ dịch; Ninh Hòa 12 ổ dịch. Bác sĩ Tôn Thất Toàn – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Với tình hình số ca mắc SXH có dấu hiệu gia tăng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã cử cán bộ, nhân viên y tế dự phòng phối hợp với trung tâm y tế các địa phương điều tra, giám sát chặt chẽ chỉ số lăng quăng, đánh giá hiệu quả công tác xử lý dịch bệnh SXH. Với các thôn, tổ dân phố có nguy cơ cao, chúng tôi tiến hành chiến dịch diệt lăng quăng với tần suất 2 lần/tuần; với thôn, tổ có nguy cơ vừa thì tiến hành diệt lăng quăng 1 lần/tuần, còn lại là 1 lần/tháng. Riêng trong tháng 2, toàn tỉnh có 35 thôn, tổ dân phố thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng 1 tuần/lần; 26 thôn/tổ dân phố diệt lăng quăng 2 lần/tuần. Đồng thời, trung tâm chỉ đạo các địa phương có số ca mắc cao, nguy cơ cao chủ động phun hóa chất diệt muỗi”.

Theo kết quả khảo sát thực tế của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bên cạnh nguyên nhân thời tiết diễn biến thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn sinh sôi, vẫn còn tình trạng nhiều người dân chủ quan, chưa chú trọng đến việc diệt lăng quăng để phòng, chống SXH; một số xã, phường thực hiện chưa tốt công tác phòng dịch tại địa phương. “Để tránh dịch SXH bùng phát trong thời gian tới, trung tâm đề nghị các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đến từng người dân và chủ động hơn trong việc triển khai các chiến dịch diệt lăng quăng” – bác sĩ Toàn kiến nghị.

Chủ động phòng dịch

Để tránh tình trạng dịch chồng dịch, nhất là dịch Covid-19 với sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới, bệnh tay chân miệng…, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh năm 2023, trong đó có dịch SXH. Theo đó, mục tiêu của kế hoạch là dự phòng, giảm tỷ lệ mắc bệnh; hạn chế tử vong; khống chế không để dịch lớn xảy ra; huy động cộng đồng và các lực lượng xã hội tham gia để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh.

Theo bác sĩ Toàn, để thực hiện được mục tiêu trên, UBND tỉnh đề ra các giải pháp cụ thể đối với từng dịch bệnh. Riêng bệnh SXH, UBND tỉnh yêu cầu các cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành, đoàn thể tăng cường vào cuộc, nhất là trong hoạt động tuyên truyền để người dân chủ động thực hiện công tác diệt lăng quăng tại nhà. Tùy theo khu vực có số ca mắc cao hay thấp, các địa phương duy trì diệt lăng quăng 1 tuần/lần, 2 tuần/lần, 1 tháng/lần; thực hiện có hiệu quả hoạt động “Học sinh diệt lăng quăng tại hộ gia đình”; củng cố và kiện toàn các đội cơ động phòng, chống dịch; chuẩn bị đầy đủ hóa chất, trang thiết bị cần thiết cho hoạt động xử lý dịch. Các cơ sở y tế chuẩn bị thuốc, vật tư để sẵn sàng tiếp nhận, thu dung điều trị bệnh nhân; đồng thời duy trì các hoạt động giám sát ca bệnh, côn trùng, điều tra dịch tễ. Ngành Y tế phải tổ chức tập huấn cho 100% thành viên ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người các cấp về Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và các hướng dẫn liên quan đến hoạt động này; liên tục cập nhật lại cho cán bộ y tế về các hướng dẫn của Bộ Y tế trong việc giám sát, xử lý dịch, chẩn đoán và điều trị bệnh SXH… UBND tỉnh giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan, tùy theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với ngành Y tế triển khai thực hiện kế hoạch chống dịch, đạt được mục tiêu đề ra.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhận định, với thời tiết như hiện nay, xu hướng dịch trong thời gian tới có thể tiếp tục tăng. Vì thế, người dân cần tăng cường diệt lăng quăng tại nhà và khu vực xung quanh.

Nguồn: baokhanhhoa.vn