An Giang: Đa dạng hóa kênh thông tin, góp phần nắm bắt kịp thời dư luận xã hội

Ngày 17/7, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang phối hợp với Đảng ủy Công an tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban công tác dư luận xã hội (DLXH) và công tác tham mưu hoạt động ban chỉ đạo 35 các cấp quý II năm 2024.

Các đồng chí: Trần Thị Thanh Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 35 tỉnh và Đại tá Lâm Phước Nguyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh chủ trì Hội nghị.

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Hà, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã thông qua dự thảo báo cáo kết quả thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn tỉnh và kết quả công tác DLXH quý II, nhiệm vụ, nhiệm trọng tâm quý III năm 2024.

Trong quý II/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục tham mưu cấp ủy chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện tốt công tác DLXH, nhất là trong thực hiện Đề án số 07-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2020 – 2025”. Với phương châm “toàn diện, nhanh chóng, hiệu quả, thiết thực, bám sát thực tiễn”, công tác nắm bắt, phản ánh, phản hồi, định hướng DLXH của tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả. Các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và người dân trong tỉnh ngày càng quan tâm, tham gia nắm bắt, phản ánh, định hướng dư luận tích cực hơn. Qua đó, góp phần ổn định tư tưởng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.

Thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, trong quý II/2024, các địa phương, đơn vị trong tỉnh tiếp tục củng cố, kiện toàn lực lượng; triển khai kế hoạch hoạt động đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 35 Trung ương, tỉnh. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng thêm mạng lưới, lực lượng với số lượng hàng ngàn thành viên tham gia, thường xuyên gắn kết việc thực hiện nhiệm vụ nắm bắt tình hình DLXH với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Công tác thông tin, tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu, độc trên không gian mạng được chỉ đạo thống nhất, kịp thời từ tỉnh đến cơ sở với nhiều hình thức phong phú và đa dạng. Công tác quản lý, sử dụng Internet, mạng xã hội, công tác ngăn chặn, gỡ bỏ, triệt phá thông tin sai sự thật, xấu độc và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng ngày càng kịp thời, hiệu quả, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Hội nghị đã tiến hành trao đổi, thảo luận, với 07 lượt ý kiến phát biểu chia sẻ kinh nghiệm, những thuận lợi và khó khăn trong công tác nắm bắt, định hướng DLXH, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, từ đó đã đề xuất những giải pháp thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới và đề xuất, kiến nghị đến các ngành chuyên môn của tỉnh tháo gỡ những khó khăn.

Tại hội nghị, các đại biểu còn được nghe đại diện lãnh đạo Phòng An ninh chính trị nội bộ báo cáo chuyên đề bảo vệ bí mật nhà nước.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trần Thị Thanh Hương, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 35 tỉnh ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao công tác DLXH gắn với công tác tham mưu ban chỉ đạo 35 các cấp trên địa bàn tỉnh thời gian qua tiếp tục đạt được nhiều kết quả hết sức tích cực; tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của các lực lượng trực tiếp tham mưu, thực hiện.

Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những vấn đề còn tồn tại, hạn chế và triển khai thực hiện nhiệm vụ tốt hơn trong thời gian tới, đồng chí Trần Thị Thanh Hương lưu ý một số vấn đề: Các cấp, các ngành trong tỉnh cần phát huy hơn nữa sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác DLXH, công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; kết hợp giữa “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, phải thật sự thuyết phục, hiệu quả; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và phải chủ động, quyết liệt. Quan tâm công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức bảo vệ bí mật nhà nước cho mọi người dân, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Thường xuyên kiện toàn lực lượng và tổ chức bộ máy phục vụ công tác DLXH và công tác tham mưu ban chỉ đạo 35 các cấp, đảm bảo hoạt động đồng bộ, kịp thời, chủ động, thiết thực, hiệu quả; bên cạnh đó quan tâm chế độ thông tin, báo cáo định kỳ, đột xuất, kịp thời, nghiêm túc. Công tác DLXH phải gắn kết chặt chẽ với hoạt động ban chỉ đạo 35, tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành thành viên ban chỉ đạo, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa các tổ nhóm, giữa các thành viên trong từng tổ nhóm, giữa cấp tỉnh và cấp huyện… để tăng cường trao đổi, chia sẻ, cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền.

Riêng đối với công tác DLXH, tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả theo hướng sát hơn với cơ sở, thực chất hơn với từng vấn đề cụ thể và kịp thời hơn trong chỉ đạo, trong phân tích, dự báo, định hướng DLXH. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải đa dạng hóa “các kênh” để nắm bắt kịp thời những thông tin “nóng”, những vấn đề “nổi cộm”… qua đó định hướng DLXH một cách chủ động hơn.

Đồng chí Trần Thị Thanh Hương cũng lưu ý các ngành, các cấp quan tâm khai thác kết quả điều tra xã hội học hàng quý và báo cáo DLXH hàng tuần của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để chủ động tham mưu cấp ủy, giải quyết những vấn đề phát sinh, phục vụ tốt hơn công tác lãnh đạo, chỉ đạo tại địa phương, đơn vị…/.

Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam