1. Loại đất nào không thể tách thửa: Biết rõ để tránh ôm “bom”
* Không đáp ứng điều kiện về diện tích tối thiểu
Diện tích tối thiểu là diện tích mà thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại sau khi tách thửa không được nhỏ hơn (bao gồm cả trường hợp hợp thửa với thửa đất liền kề).
Điều kiện đầu tiên để được tách thửa cần phải đáp ứng đó là đủ điều kiện về diện tích, kích thước tối thiểu theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương).
Đây là điều kiện áp dụng đối với tất cả các tỉnh thành và các loại đất. Điều đó đồng nghĩa với việc thửa đất không đáp ứng được điều kiện về diện tích và kích thước tối thiểu sẽ không được phép tách thửa.
Ví dụ: Tại Quyết định 20/2017/QĐ-UBND ngày 01/6/2017, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội quy định hạn mức giao đất và công nhận quyền sử dụng đất ở như sau:
TT | Khu vực | Mức tối thiểu | Mức tối đa |
1 | Các phường | 30m2 | 90m2 |
2 | Các xã giáp ranh các quận và thị trấn | 60m2 | 120m2 |
3 | Các xã vùng đồng bằng | 80m2 | 180m2 |
4 | Các xã vùng trung du | 120m2 | 240m2 |
5 | Các xã vùng miền núi | 150m2 | 300m2 |
Theo đó, các thửa đất ở được hình thành từ việc tách thửa phải đảm bảo các điều kiện sau:
– Có diện tích không nhỏ hơn 30m2 đối với khu vực các phường, thị trấn và không nhỏ hơn 50% hạn mức giao đất ở tối thiểu theo quy định tại bảng trên với các xã còn lại.
– Chiều rộng và chiều sâu từ 03m trở lên (so với chỉ giới xây dựng).
* Đất tại tỉnh, thành tạm dừng thủ tục tách thửa
Một số tỉnh, thành hiện nay đã ban hành công văn chỉ đạo tạm dừng tiếp nhận, giải quyết thủ tục tách thửa.
Lưu ý:
– Chỉ tạm dừng tiếp nhận, giải quyết thủ tục chia tách thửa đất nông nghiệp. Việc tạm dừng này không áp dụng đối với thửa đất ở.
Muốn biết chính xác thông tin tạm dừng tách thửa loại đất nào phải xem chỉ tiết nội dung công văn của từng tỉnh, thành.
– Việc tạm dừng thủ tục tách thửa là biện pháp tạm thời nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng sốt đất, không cấm tách thửa trong thời gian dài (Luật Đất đai 2013 và văn bản quy định chi tiết không cấm tách thửa đối với đất nông nghiệp).
* Đất không có Sổ đỏ, Sổ hồng
Về nguyên tắc đất không có Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng) sẽ không đủ điều kiện tách thửa. Vì tách thửa thường được thực hiện khi chuyển nhượng, tặng cho một phần thửa đất; mà theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có Sổ đỏ, Sổ hồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai.
Tuy nhiên, vẫn có một vài tỉnh vẫn được tách thửa nếu đủ điều kiện cấp Sổ đỏ, Sổ hồng (chưa có Sổ đỏ, Sổ hồng). Ví dụ như tỉnh Bắc Kạn.
* Đất đang có tranh chấp, hết thời hạn sử dụng
+ Đất đang có tranh chấp
Tại quyết định về điều kiện tách thửa của Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành đã quy định rõ đất không có tranh chấp mới được tách thửa. Trong khi đó nhiều tỉnh, thành không quy định rõ điều kiện này.
Mặc dù vậy, trên thực tế việc tách thửa thường được thực hiện chuyển nhượng, tặng cho một phần thửa đất. Chính vì vậy, đất có tranh chấp sẽ không đủ điều kiện tách thửa.
+ Đất hết thời hạn sử dụng
Thời hạn sử dụng đất được chia thành hai nhóm, đất sử dụng ổn định lâu dài (như đất ở của hộ gia đình, cá nhân) và đất sử dụng có thời hạn (như đất nông nghiệp).
Khi đất không còn trong thời hạn sử dụng (hết thời hạn sử dụng đất) thì người sử dụng đất không được thực hiện các quyền chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp,… Đồng nghĩa với việc muốn tách thửa cũng cần phải còn thời hạn sử dụng đất.
* Quyền sử dụng đất đang bị kê biên
Khi quyền sử dụng đất bị kê biên để bảo đảm thi hành án thì không chỉ quyền tách thửa mà quyền khác như chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp cũng không thể thực hiện được (theo khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013).
Đồng thời khi kê biên quyền sử dụng đất, Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án, người đang quản lý giấy tờ về quyền sử dụng đất phải nộp các giấy tờ đó cho cơ quan thi hành án dân sự (theo khoản 1 Điều 111 Luật Thi hành án dân sự 2008).
* Không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất
Khoản 1 Điều 6 Luật Đất đai 2013 quy định một trong những nguyên tắc sử dụng đất là phải sử dụng đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Nguyên tắc này cũng được các tỉnh, thành quy định rõ trong quyết định quy định về điều kiện được phép tách thửa.
Theo đó, nhiều tỉnh, thành quy định rõ muốn tách thửa phải phù hợp với quy hoạch. Đất thuộc các dự án phát triển nhà ở theo quy hoạch, các dự án đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch cũng không được tách thửa.
Ví dụ: Tại Quyết định số 05/2017/QĐ-UBND, Thành phố Cần Thơ quy định điều kiện tách thửa phải đáp ứng các điều kiện cụ thể, trong đó phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch sản xuất nông nghiệp.
* Đất đã có thông báo thu hồi
Khoản 1 Điều 67 Luật Đất đai 2013 quy định trước khi có quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi cho người sử dụng đất biết trước thời điểm thu hồi một khoảng thời gian nhất định, cụ thể:
– Chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp.
– Chậm nhất là 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp.
Thông báo thu hồi đất được gửi đến cho người có đất bị thu hồi. Theo đó, khi có thông báo thu hồi đất thì cơ quan nhà nước sẽ từ chối hồ sơ đề nghị tách thửa của người sử dụng đất.
2. Lỗi quên bật xi nhan bị phạt bao nhiêu?
Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định các trường hợp người đi ô tô, xe máy bắt buộc phải bật xi nhan bao gồm:
– Khi chuyển làn đường:
Căn cứ Điều 13 Luật Giao thông đường bộ, trên đường có nhiều làn đường xe cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn, lái xe khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và đồng thời phải bảo đảm an toàn.
– Khi chuyển hướng xe:
Theo Điều 15 Luật này, khi muốn chuyển hướng xe, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng xe.
Lưu ý: Trong khi chuyển hướng, người lái xe phải nhường đường cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường ưu tiên, nhường đường cho các xe đi ngược chiều. Chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại cho hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.
Như vậy, theo quy định, người lái xe máy, ô tô phải bật xi nhan khi rẽ phải, rẽ trái, quay đầu xe, vượt xe khác, khi chạy vào lề đường để dừng đỗ xe.
Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, lái xe ô tô cũng được yêu cầu phải xi nhan khi lùi xe, dừng xe, đỗ xe.
Trong thực tế, các lái xe cũng được khuyến nghị nên xi nhan khi đi qua vòng xuyến, đi theo đường cong, đi qua ngã 3 chữ Y… để đảm bảo an toàn.
Mức phạt lỗi không xi nhan là bao nhiêu?
Căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không xi nhan trong những trường hợp sau đây sẽ bị xử phạt:
Phương tiện |
Lỗi |
Mức phạt |
Căn cứ |
Xe máy |
Chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước |
100.000 – 200.000 đồng |
Điểm i khoản 1 Điều 6 |
Chuyển hướng không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức) |
400.000 – 600.000 đồng |
Điểm a khoản 3 Điều 6 |
|
Xe ô tô |
Dừng, đỗ xe không có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết |
300.000 – 400.000 đồng |
Điểm d khoản 1 Điều 5 |
Chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước |
400.000 – 600.000 đồng |
Điểm a khoản 2 Điều 5 |
|
Chuyển hướng không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức) |
800.000 – 01 triệu đồng |
Điểm c khoản 3 Điều 5 |
|
Lùi xe không có tín hiệu báo trước |
800.000 – 01 triệu đồng |
Điểm o khoản 3 Điều 5 |
|
Chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc |
04 – 06 triệu đồng Tước Giấy phép lái xe từ 01 – 03 tháng |
Điểm g khoản 5 và điểm b khoản 11 Điều 5 |
|
Máy kéo, xe máy chuyên dùng |
Lùi xe không có tín hiệu báo trước |
300.000 – 400.000 đồng
|
Điểm b khoản 2 Điều 7 |
Dừng xe, đỗ xe không có tín hiệu báo trước |
300.000 – 400.000 đồng
|
Điểm g khoản 2 Điều 7 |
|
Chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc |
800.000 – 01 triệu đồng Tước Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng giao thông đường bộ 01 – 03 tháng |
Điểm d khoản 4 và điểm a khoản 10 Điều 7 |
Trên đây là các trường hợp phải bật xi nhan và mức phạt với lỗi không xi nhan theo quy định hiện hành.
3. Bị tai nạn khi đi công tác có được hưởng tai nạn lao động?
* Tai nạn xảy ra khi đi công tác có tính là tai nạn lao động không?
Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động đã quy định điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động như sau:
Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này;
3. Người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Theo đó, người lao động bị tai nạn khi đi công tác sẽ được hưởng chế độ tai nạn lao động nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
1 – Tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
2 – Bị tai nạn khi đi công tác ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động.
3 – Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn.
4 – Tai nạn không thuộc một trong các nguyên nhân sau:
– Do mâu thuẫn của nạn nhân với người gây tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
– Do cố ý tự hủy hoại sức khỏe.
– Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái pháp luật.
* Nhân viên bị tai nạn khi đi công tác, công ty có phải bồi thường?
Theo quy định tại Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động, người lao động bị tai nạn khi đi công tác mà được xác định là bị tai nạn lao động thì được công ty thanh toán các khoản tiền sau:
– Chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định và phí khám giám định mức độ suy giảm khả năng lao động.
– Tiền lương trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động: Trả đủ tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo hợp đồng lao động.
– Bồi thường thêm 01 khoản tiền:
+ Bị tai nạn lao động không do lỗi của người lao động gây ra:
- Suy giảm khả năng lao động từ 5% – 10%: Bồi thường ít nhất 1,5 tháng tiền lương.
- Suy giảm khả năng lao động từ 11% – 80%: Bồi thường ít nhất 1,5 tháng tiền lương cho 10%, sau đó cứ thêm 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương.
- Suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên: Bồi thường ít nhất 30 tháng tiền lương.
+ Bị tai nạn lao động do lỗi của người lao động: Bồi thường ít nhất bằng 40% số tiền bồi thường của trường hợp bị tai nạn không do lỗi của người lao động.
* Mức hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tính thế nào?
Nếu được kết luận là tai nạn lao động, người lao động bị tai nạn khi đi công tác sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả các khoản tiền sau:
(1) Trợ cấp 1 lần hoặc trợ cấp hằng tháng
– Trợ cấp 1 lần áp dụng cho người lao động bị tai nạn lao động mà suy giảm từ 5 – 30%:
Mức hưởng xác định bằng tổng 02 khoản tiền sau:
+ Trợ cấp tính theo mức suy giảm lao động: Suy giảm 5% hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó, cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.
+ Trợ cấp tính theo số năm đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động: Từ 01 năm trở xuống được 0,5 tháng; cứ thêm mỗi năm hưởng thêm 0,3 tháng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị tai nạn lao động.
(Theo Điều 48 Luật An toàn, vệ sinh lao động)
– Trợ cấp hằng tháng áp dụng cho người lao động bị tai nạn lao động mà suy giảm từ 31%:
Mức hưởng xác định bằng tổng 02 khoản tiền sau:
+ Trợ cấp tính theo mức suy giảm lao động: Suy giảm 31% hưởng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% hưởng thêm 2% mức lương cơ sở.
+ Trợ cấp tính theo số năm đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động: Từ 01 năm trở xuống được 0,5%, thêm mỗi năm được 0,3% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị tai nạn lao động.
(Theo Điều 49 Luật An toàn, vệ sinh lao động)
(2) Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau điều trị tai nạn lao động
Theo Điều 54 Luật An toàn, vệ sinh lao động, sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động và trong 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe như sau:
– Tối đa 10 ngày nếu suy giảm lao động từ 51% trở lên;
– Tối đa 07 ngày nếu suy giảm lao động từ 31% – 50%;
– Tối đa 05 ngày nếu suy giảm lao động từ 15% – 30%.
Mức trợ cấp mỗi ngày = 30% x Mức lương cơ sở
(3) Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp khi trở lại làm việc
Mức hỗ trợ tối đa = 50% mức học phí (không quá 15 lần mức lương cơ sở)
(Theo Điều 55 Luật An toàn, vệ sinh lao động)
(4) Tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình.
(5) Trợ cấp phục vụ nếu suy giảm từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống, mù hai mắt, cụt, liệt hai chi hoặc bị tâm thần
(6) Trợ cấp một lần khi chết
Mức trợ cấp 1 lần = 36 x Mức lương cơ sở = 53.640.000 đồng.
(Theo Điều 53 Luật An toàn, vệ sinh lao động)