1. Công chứng ngoài trụ sở trái luật – tiềm ẩn rủi ro gì?
Điều 44 Luật Công chứng năm 2014 quy định về địa điểm công chứng như sau:
– Phải công chứng hợp đồng, giao dịch tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng (Văn phòng công chứng hoặc Phòng công chứng).
– Có thể công chứng ngoài trụ sở của Văn phòng/Phòng công chứng nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Người già yếu, không thể đi lại được.
+ Người đang bị tạm giam, tạp giữ, đang thi hành án phạt tù.
+ Người có lý do chính đáng khác mà không thể đến trụ sở của Phòng/Văn phòng công chứng.
Do đó, theo quy định nêu trên, các bên phải đến tận trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng để thực hiện việc ký hợp đồng công chứng trừ 03 trường hợp nêu trên có thể yêu cầu Công chứng viên công chứng bên ngoài trụ sở của Phòng/Văn phòng công chứng.
Những địa điểm công chứng trong trường hợp này sẽ do các bên thoả thuận với Công chứng viên thực hiện ký công chứng. Trong đó, có thể kể đến ở nhà riêng, trong bệnh viện…
Lưu ý: Khi yêu cầu Công chứng viên công chứng ngoài trụ sở, trong Phiếu yêu cầu công chứng, các bên cần phải nêu rõ lý do yêu cầu công chứng ngoài trụ sở, địa điểm cũng như thời gian yêu cầu công chứng ngoài trụ sở.
Đặc biệt, khi yêu cầu công chứng ngoài trụ sở, ngoài các khoản phí công chứng theo quy định, người yêu cầu công chứng còn phải nộp thêm một khoản thù lao công chứng ngoài trụ sở. Tuy nhiên, mức thù lao cụ thể sẽ do các bên thoả thuận nhưng thường sẽ căn cứ vào khoảng cách, điều kiện, phương tiện đi lại…
Rủi ro khi công chứng ngoài trụ sở trái quy định
Về phía Công chứng viên
Như phân tích ở trên, chỉ được công chứng ngoài trụ sở trong 03 trường hợp nêu trên. Với trường hợp vì lý do khác, người yêu cầu công chứng phải trình bày được lý do chính đáng vì sao không thể đến trụ sở để thực hiện công chứng hợp đồng và được Công chứng viên đồng ý.
Nếu Công chứng viên thực hiện việc công chứng ngoài trụ sở không đúng quy định (không thuộc một trong ba trường hợp nêu trên) thì theo điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, Công chứng viên sẽ bị phạt tiền từ 03 – 07 triệu đồng.
Mức phạt này đã tăng nhiều lần so với quy định cũ tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 67/2015/NĐ-CP (trước đây chỉ bị phạt từ 01 – 03 triệu đồng).
Không chỉ vậy, theo Điều 38 Luật Công chứng về việc bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động công chứng, nếu Công chứng viên công chứng ngoài trụ sở trái quy định thì sẽ phải bồi thường thiệt hại.
Nếu gây thiệt hại thì phải hoàn trả lại mộtkhaorn tiền đã chi để bồi thường cho người bị thiệt hại. Nếu không thì tổ chức hành nghề công chứng có thể yêu cầu Toà án giải quyết.
Về phía các bên
Khi Công chứng viên và các bên thực hiện công chứng ngoài trụ sở trái luật thì hợp đồng công chứng đó sẽ vô hiệu. Theo khoản 2 Điều 131 khi hợp đồng vô hiệu các bên sẽ khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Nếu không trả được bằng vật thì quy ra tiền để hoàn trả.
Như vậy, có thể thấy, hiện nay, pháp luật vẫn cho phép các bên thực hiện công chứng ngoài trụ sở nếu thuộc một trong các lý do nêu trên. Tuy nhiên, cần phải lưu ý, khi công chứng ngoài trụ sở, bắt buộc phải thực hiện theo đúng quy định: Ký trước mặt Công chứng viên, yêu cầu ghi rõ trong phiếu yêu cầu công chứng…
2. Khi nào khai man giá đất bị xử lý hình sự về Tội trốn thuế?
Khai man giá đất nhằm trốn thuế trên thực tế khá phổ biến. Tùy vào tính chất và mức độ vi phạm của hành vi vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vấn đề cần giải quyết trong trường hợp này là khi nào bị xử lý vi phạm hành chính, khi nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Để giải quyết vấn đề này cần căn cứ vào quy định Tội trốn thuế của Bộ luật Hình sự và cách tính số thuế trốn theo pháp luật thuế thu nhập cá nhân, cụ thể:
Tội trốn thuế theo quy định Điều 200 Bộ luật Hình sự
Căn cứ khoản 1 Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, người khai man giá đất nhằm trốn thuế với số tiền từ 100 đến dưới 300 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 100 – 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Hoặc trốn thuế dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về Tội trốn thuế hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 100 – 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Như vậy, tính chất nguy hiểm cho xã hội đáng kể để truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trốn thuế là số thuế trốn từ 100 triệu đồng trở lên, nếu trốn thuế với số tiền dưới 100 triệu đồng sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.
Ngoài ra, ngay cả khi trốn thuế dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về Tội trốn thuế hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật Hình sự, chưa được
xóa án tích vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Số thuế trốn được tính như thế nào?
Điều 17 Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định cách tính thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản như sau:
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Giá chuyển nhượng x 2%
Trong đó, giá chuyển nhượng được quy định như sau:
(1) Giá chuyển nhượng đối với chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có công trình xây dựng trên đất là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng.
Trường hợp trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá hoặc giá trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá đất do UBND cấp tỉnh (Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) quy định tại thời điểm chuyển nhượng thì giá chuyển nhượng được xác định theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng.
(2) Giá chuyển nhượng đối với chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với công trình xây dựng trên đất, kể cả nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng.
Trường hợp trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá đất hoặc giá đất trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá do UBND cấp tỉnh quy định thì giá chuyển nhượng đất là giá do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng.
Trường hợp chuyển nhượng nhà gắn liền với đất thì phần giá trị nhà, kết cấu hạ tầng và công trình kiến trúc gắn liền với đất được xác định căn cứ theo giá tính lệ phí trước bạ nhà do UBND cấp tỉnh quy định. Trường hợp UBND cấp tỉnh không có quy định giá tính lệ phí trước bạ nhà thì căn cứ vào quy định của Bộ Xây dựng về phân loại nhà, về tiêu chuẩn, định mức xây dựng cơ bản, về giá trị còn lại thực tế của công trình trên đất.
Đối với công trình xây dựng hình thành trong tương lai, trường hợp hợp đồng không ghi giá chuyển nhượng hoặc giá chuyển nhượng thấp hơn tỷ lệ góp vốn trên tổng giá trị hợp đồng nhân với giá đất và giá tính lệ phí trước bạ công trình xây dựng do UBND cấp tỉnh quy định thì giá chuyển nhượng được xác định theo giá Ủy ban nhân với tỷ lệ góp vốn trên tổng giá trị hợp đồng.
Trường hợp UBND cấp tỉnh chưa có quy định về đơn giá thì áp dụng theo suất vốn đầu tư xây dựng công trình do Bộ Xây dựng công bố, đang áp dụng tại thời điểm chuyển nhượng.
Như vậy, số thuế trốn được xác định bằng số thuế của tiền chênh lệch giữa hai hợp đồng do các bên thỏa thuận, cụ thể:
– Hợp đồng 1: Hợp đồng dùng để khai, nộp thuế. Hợp đồng này theo quy định phải công chứng hoặc chứng thực.
– Hợp đồng 2: Hợp đồng do các bên thỏa thuận theo giá thực tế (giá tại hợp đồng này thường cao hơn nhiều so với giá được ghi tại hợp đồng 1).
Theo đó, để trốn từ 100 triệu đồng tiền thuế trở lên thì số tiền chênh lệch của 02 hợp đồng này phải từ 05 tỷ đồng trở lên.
Số thuế trốn được tính theo công thức sau:
Số thuế trốn = 2% x (Giá chuyển nhượng của hợp đồng thực tế – Giá chuyển nhượng của hợp đồng công chứng, chứng thực)
Ví dụ: Ông A chuyển nhượng thửa đất của mình cho ông B. Giá chuyển nhượng thực tế là 08 tỷ đồng nhưng để giảm số thuế thu nhập cá nhân phải nộp hai người đã thỏa thuận ghi trong hợp đồng được công chứng là 2.5 tỷ đồng.
Khi đó số thuế trốn là 110 triệu đồng (số tiền chênh lệch là 6,5 tỷ đồng x 2%), trường hợp này bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trốn thuế theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015.