Nghiên cứu, giảng dạy chủ nghĩa Mác – Lênin ở các trường đại học: Kinh nghiệm Việt Nam và Trung Quốc

Ngày 11/12, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Nghiên cứu, giảng dạy chủ nghĩa Mác – Lênin ở các trường đại học: Kinh nghiệm Việt Nam và Trung Quốc”. Tham dự có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; các nhà khoa học, giảng viên lý luận chính trị đến từ các trường đại học Việt Nam và Trung Quốc.

Phát biểu khai mạc, GS, TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Chủ nghĩa Mác – Lênin là học thuyết cách mạng và khoa học nhất vì đã trang bị cho giai cấp vô sản, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới vũ khí tư tưởng lý luận sắc bén để đấu tranh vì mục tiêu cao cả của nhân loại là xóa bỏ chế độ áp bức của giai cấp tư sản, tiến lên xây dựng xã hội mới – Xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.

Tại Việt Nam và Trung Quốc, hiện nay, nghiên cứu, giảng dạy chủ nghĩa Mác – Lênin trở thành một trong những nhiệm vụ hàng đầu của hai nước, trong đó chú trọng việc hiểu đúng, vận dụng đúng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin phù hợp với thực tiễn đất nước, hướng đến mục tiêu cao nhất: với Việt Nam là xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, do nhân dân làm chủ; với Trung Quốc là trở thành nước xã hội chủ nghĩa hiện đại toàn diện về mọi mặt thông qua con đường hiện đại hóa.

Việc tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và làm sáng tỏ những vấn đề cách mạng, khoa học, tính đúng đắn, tầm ảnh hưởng, cũng như nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy chủ nghĩa Mác – Lênin có ý nghĩa rất quan trọng, vừa là đòi hỏi tất yếu khách quan của thời đại, vừa là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị. Hai Đảng, hai nước hết sức quan tâm và dành nhiều nguồn lực, chính sách thúc đẩy công tác nghiên cứu, giảng dạy chủ nghĩa Mác – Lênin ở các trường đại học. Đây là những “vườn ươm” đầy sức sống của khoa học lý luận Mác -Lênin, luôn đi tiên phong trong bảo vệ, truyền bá nền tảng tư tưởng Mác – Lênin, cũng như đảm nhận trọng trách lớn lao là đào tạo, bồi dưỡng thế hệ tương lai sẽ tiếp nối, xây dựng sự nghiệp xã hội chủ nghĩa, GS, TS. Lê Văn Lợi nói.

Báo cáo đề dẫn do PGS, TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền trình bày nhận định, thực tiễn giảng dạy các môn lý luận chính trị nói chung và chủ nghĩa Mác – Lênin nói riêng ở các trường đại học tại Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua đã có sự đổi mới theo hướng tích cực; chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị không ngừng được nâng lên, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Đội ngũ cán bộ, giảng viên lý luận chính trị được bố trí, sắp xếp phù hợp với yêu cầu thực tiễn; có phẩm chất, năng lực đáp ứng cơ bản tốt những yêu cầu, nhiệm vụ chung trong công tác đào tạo, chất lượng đội ngũ giảng viên từng bước được chuẩn hóa…

Tuy nhiên, công tác nghiên cứu, giảng dạy chủ nghĩa Mác – Lênin ở các trường đại học tại Việt Nam và Trung Quốc hiện cũng còn một số bất cập, hạn chế như: nhận thức về ý nghĩa, sự cần thiết của việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin trong tình hình mới của các cấp ủy, tổ chức đảng, ban lãnh đạo các trường đại học, của các đơn vị giảng dạy chưa thật sự đầy đủ; công tác nghiên cứu khoa học về chủ nghĩa Mác – Lênin chưa sâu, chưa bắt kịp với tình hình thay đổi của thế giới, khu vực và trong nước và đòi hỏi yêu cầu của thực tiễn công tác lý luận; xuất hiện những lỗ hổng, mâu thuẫn giữa lý luận và thực tiễn trong giảng dạy chủ nghĩa Mác – Lênin ở bậc đại học; nội dung chương trình học, giáo trình còn trùng lặp, nặng về lý luận, ít tính thực tiễn….

Cùng với đó, bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay tiếp tục đặt ra nhiều thách thức, những khó khăn, phức tạp đối với công tác nghiên cứu, giảng dạy chủ nghĩa Mác – Lênin, như sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động đối với chủ nghĩa Mác – Lênin; lối sống buông thả, phai nhạt lý tưởng, thích hưởng thụ, thờ ơ trước các vấn đề chính trị – xã hội của đất nước…

Với 85 tham luận, các ý kiến của các đại biểu, nhà khoa học đã phân tích, luận giải, qua đó khẳng định chủ nghĩa Mác – Lênin không chỉ là hệ tư tưởng của hai nước mà là một học thuyết khoa học và cách mạng trong lịch sử nhân loại. Các ý kiến cũng tập trung phân tích, đánh giá khách quan về thực trạng trong nghiên cứu, giảng dạy chủ nghĩa Mác – Lênin ở các trường đại học tại Việt Nam và Trung Quốc hiện nay. 

Phát biểu bế mạc, PGS, TS. Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, với nhiều góc tiếp cận khác nhau, ý kiến tham luận, các bài viết của các nhà khoa học cung cấp những luận cứ khoa học hữu ích, góp phần giải quyết những vấn đề đang đặt ra đối với việc nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy chủ nghĩa Mác – Lênin ở các trường đại học tại Việt Nam và Trung Quốc. Nhiều mô hình hay, bài học kinh nghiệm sâu sắc, các đề xuất, giải pháp có giá trị cao đưa ra trong Hội thảo sẽ là cơ sở để Học viện Báo chí và Tuyên truyền xây dựng kiến nghị với Đảng và Nhà nước, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ quan quản lý trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu, giảng dạy chủ nghĩa Mác – Lênin ở các trường đại học trong thời gian tới./.

Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam