Thầy giáo đa năng tại điểm trường nhiều tình thương

Lớp học ghép cấp tiểu học của điểm trường thôn 5 Ông Thái, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, Quảng Nam có khoảng 20 em. Các em nhỏ ở đây là người đồng bào Ca Dong, 100% thuộc hộ nghèo và cận nghèo, điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn, cuộc sống chủ yếu dựa vào việc đi nương rẫy. Điểm trường chỉ có 1 thầy giáo giảng dạy, bên cạnh công tác chuyên môn, thầy kiêm nhiệm thêm nhiều công việc, từ nấu ăn, trông trẻ, dỗ dành hay lo cho các em từng giấc ngủ ngon. Điểm trường nhỏ có thể thiếu thốn trăm bề, nhưng chưa từng thiếu đi tình yêu thương của những nhà giáo.

Giờ tự học của các bạn nhỏ ở lớp ghép cấp tiểu học điểm trường thôn 5 chốc chốc lại vang lên tiếng khóc của những em nhỏ mới chỉ 2 – 3 tuổi. Thôn 5 vốn chỉ có điểm trường cấp tiểu học, hàng ngày phụ huynh các con đi nương rẫy hết, nên vì thương mà thầy Xuân lại nhận trông thêm các bé mầm non. Thầy giáo Hồ Văn Xuân chia sẻ: “Chuyên môn của bên mầm non thì cũng chưa nắm kĩ. Nhưng vì yêu trẻ nên cũng biết cách biết trẻ cần gì, muốn gì. Nếu khóc thì mình có thể lấy cây kẹo, bịch sữa để dỗ dành các bé”.

Rời giáo án, đôi tay ấy lại thoăn thoắt thái thịt, cắt rau nấu bữa trưa cho các con. Mỗi bữa có thêm 1 phụ huynh tới giúp thầy việc bếp núc. Giờ cơm trưa gần đến, lớp học lại có thêm những thành viên đặc biệt. Bữa trưa đầu tuần được đổi vị bằng món bún thịt. Còn cuối tuần là trứng hoặc đồ ăn đóng hộp. Điểm trường thôn 5 không có điện nên cũng không có tủ lạnh để trữ đồ ăn tươi cho học sinh, thầy giáo luôn gặp khó khăn trong việc thực hiện bữa ăn bán trú.

Gian phòng ở của thầy, cũng là nơi cho các con ngủ trưa. Giấc ngủ ngon của trẻ, nhưng cũng là nỗi lắng lo, trăn trở của thầy bởi cột, phên, lai phong cũng đã mục, mái lợp, đòn tay cũng đã cong vênh nhiều. Ngoài những góc tường bị mối mọt, xuống cấp thì phòng ngủ tạm được đặt cạnh gian bếp nên cũng bị khói tràn vào. Thiếu thốn trăm bề, nhưng lớp học nhỏ nơi ấy vẫn, đã và đang nuôi mầm ước mơ cho con trẻ.

Vượt qua 15km con đường đất đá gồ ghề, khúc khỉu, thêm 4km đường đồi núi leo bộ, hơn 3 tiếng, những bước chân không mỏi của những vị khách phương xa đã ghé thăm điểm trường cùng với niềm hi vọng mới. Mong rằng những thanh âm ê a sẽ luôn vang vọng giữa vùng cao xứ Quảng, ước mơ con chữ của các bạn nhỏ ngày càng gần lại, tất cả nhờ có những yêu thương của cả cộng đồng.