Di chúc có đoạn: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải ra sức làm là mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man. Đó là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn.
Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng chu đáo để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm. Theo ý tôi thì việc cần trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên,mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi…”.
Chỉnh đốn, đổi mới, xây dựng Đảng là vấn đề mà cả đời Bác quan tâm, suy nghĩ và trăn trở, lo toan. Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập và rèn luyện đã thành công trong lãnh đạo nhân dân giành chính quyền, nay trở thành đảng cầm quyền thì thế hệ kế tục sẽ phải thế nào?
Nhớ lại năm 1968, khi viết những dòng trên bổ sung vào bản di chúc còn đang “tuyệt đối bí mật” thì chưa đầy một tháng sau Người đã có buổi nói chuyện công khai về công tác giáo dục đảng viên với những lời ân cần và nghiêm khắc: “Có một số người không nhớ lúc hàn vi, lại để cho chủ nghĩa cá nhân nẩy nở. Đã có xe rồi lại “phấn đấu” để có chiếc xe đẹp hơn. Đã có nhà rồi, lại “phấn đấu” theo kiểu như thế để có nhà đẹp hơn. Làm như vậy là trái với đạo đức cách mạng.
…Từ nay về sau, nhân dân ta và Đảng ta phải giữ gìn và phát huy mãi đạo đức trong sáng… Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” ( HCM toàn tập, 1996).
Những vấn đề con người
Trong bản viết tháng 5/1968, Bác còn dặn thêm nhiều điều cụ thể, trong đó việc đầu tiên là công việc đối với con người.
Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình
(binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và
đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng
thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần
dần “tự lực cánh sinh”.
Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm
ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần
yêu nước cho nhân dân ta.
Đối với cha mẹ, vợ con thương binh, liệt sĩ mà thiếu sức lao động và
túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công việc làm
ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét.
Những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh
niên xung phong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng
cảm. Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi
học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công
nhân… Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội
ở nước ta.
Trong bao năm kháng chiến chống Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng
bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với
Đảng và Chính phủ, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó
khăn gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế
nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả,
mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất.
Ở đây nói về kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng
hoàng hơn trước chiến tranh. Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế.
Phát triển công tác vệ sinh, y tế. Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với
hoàn cảnh mới của nhân dân, như phát triển các trường nửa ngày học tập,
nửa ngày lao động. Củng cố quốc phòng. Chuẩn bị mọi việc để thống nhất
Tổ quốc…
Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng là rất
vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng,
để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc
chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục
toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.
Việc miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã đến năm 1989 Bộ Chính trị đã giao cho Chính phủ trình Quốc hội thực hiện.