1. Cướp tài sản làm chết người, tội có chồng thêm tội?
Để hành vi cướp tài sản được thực hiện một cách suôn sẻ, các đối tượng không ngần ngại thẳng tay gây thương tích cho nạn nhân. Thế nhưng, hành vi này có thể để lại hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là làm chết người.
Trong trường hợp này, để xác định tội danh cho người phạm tội cần xác minh xem hành vi gây tại nạn cho nạn nhân có mục đích làm chết người hay không theo hai trường hợp dưới đây:
* Cướp tài sản nhưng “lỡ” tay làm chết người
Cướp tài sản là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài.
Trong quá trình cướp tài sản, các đối tượng vô ý gây ra tai nạn hoặc cố ý gây ra tai nạn nhưng chỉ nhằm mục đích trốn chạy chứ không cố ý gây chết người thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cướp tài sản với tình tiết định khung hình phạt là làm chết người.
Theo điểm c khoản 4 Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 18 năm – 20 năm hoặc tù chung thân:
– Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500 triệu đồng trở lên;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
– Làm chết người…
Như vậy, với trường hợp “lỡ” tay làm chết người, người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cướp tài sản với mức phạt tù từ 18 năm – 20 năm hoặc tù chung thân.
* Cướp tài sản rồi giết người nhằm che giấu hành vi phạm tội
Có không ít trường hợp sau khi thực hiện hành vi cướp tài sản, người thực hiện hành vi phạm tội ra tay với nạn nhân để che giấu tội phạm. Với trường hợp này, ngoài Tội cướp tài sản, người phạm tội còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội giết người.
Theo đó, giết người để che giấu tội phạm là trường hợp mà trước khi giết người, người phạm tội đã thực hiện một hiện một tội phạm khác và để che giấu tội phạm đó nên người phạm tội đã giết người, giữa hành vi giết người với tội phạm đã thực hiện phải có mối liên hệ với nhau. Về mặt thời gian thì tội phạm muốn che giấu xảy ra trước so với tội giết người.
Tóm lại, người thực hiện hành vi cướp tài sản sau đó giết người để che giấu hành vi phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội danh:
– Tội cướp tài sản;
– Tội giết người.
Trong đó, với Tội Giết người với tình tiết định khung quy định tại điểm g khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 (Giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác), người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 – 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.