Bản tin pháp luật tuần 4 tháng 3 năm 2023

MỘT SỐ QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY

 

* Phòng cháy đối với nhà ở và khu dân cư:

– Nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy.

– Thôn, ấp, bản, tổ dân phố phải có các quy định, nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ; có giải pháp ngăn cháy; có phương án, lực lượng, phương tiện phòng cháy và chữa cháy; có đường giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy.

(Điều 17 Luật Phòng cháy chữa cháy năm 2001, khoản 9 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung năm 2013)

* Phòng cháy đối với cơ sở:

Cơ sở được bố trí trên một phạm vi nhất định, có người quản lý, hoạt động và cần thiết có phương án phòng cháy và chữa cháy độc lập phải thực hiện các yêu cầu cơ bản sau đây:

– Có quy định, nội quy về an toàn phòng cháy và chữa cháy;

– Có các biện pháp về phòng cháy;

– Có hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy phù hợp với tính chất hoạt động của cơ sở;

– Có lực lượng, phương tiện và các điều kiện khác đáp ứng yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy;

– Có phương án chữa cháy, thoát nạn, cứu người, cứu tài sản và chống cháy lan;

– Bố trí kinh phí cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy;

– Có hồ sơ theo dõi, quản lý hoạt động phòng cháy và chữa cháy.

Đối với cơ sở khác thì thực hiện các yêu cầu về phòng cháy phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của cơ sở đó.

Những đối tượng đặc thù (đặc khu kinh tế, khách sạn, nhà nghỉ, vũ trường, công trình cao tầng, chợ, trụ sở làm việc…) ngoài việc thực hiện các yêu cầu về phòng cháy trên, còn phải thực hiện các biện pháp đặc thù về phòng cháy và chữa cháy cho từng đối tượng đó.

(Điều 20 Luật Phòng cháy chữa cháy năm 2001)