GIẢNG VIÊN CÁC TRƯỜNG CHÍNH TRỊ CẤP TỈNH THAM GIA BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Theo quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trường chính trị cấp tỉnh có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị – hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương.
Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của mình, trong những năm qua, các trường chính trị cấp tỉnh đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp, cách thức nhằm thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, trong đó chú trọng việc lồng ghép, tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong từng bài giảng của giảng viên; đồng thời tổ chức cán bộ, giảng viên nghiên cứu khoa học, tăng cường viết bài đăng tải trên các kênh truyền thông như tạp chí, sách, báo, bản tin của Trung ương và địa phương; xây dựng trang tin điện tử của nhà trường để một mặt đăng tin hoạt động, mặt khác truyền tải các thông tin, bài viết về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cán bộ, giảng viên các trường chính trị thông qua việc dùng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội và các diễn đàn, nhóm, hội, câu lạc bộ được thành lập chính thức đã tích cực tuyên truyền, phản bác các luận điệu thù địch, phản động trên không gian mạng…
Ngoài ra, các trường chính trị đã tập trung đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gắn công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng với việc đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, 5 (khóa XIII)… nhằm góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chính trị của giảng viên, từng bước đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống.
Qua thực tiễn cho thấy, đội ngũ giảng viên của các trường chính trị cấp tỉnh đã từng bước nâng cao nhận thức và có thái độ đúng đắn đối với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, từ đó có những hoạt động cụ thể nhằm thực hiện nhiệm vụ này trong công tác chuyên môn nghiên cứu, giảng dạy và tuyên truyền, qua đó đội ngũ này đã đóng vai trò là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, lý luận ở các địa phương; tích cực tuyên truyền, lan tỏa nhiệm vụ chính trị quan trọng này cho học viên các hệ lớp. Thực tiễn cho thấy, nhiều giảng viên lý luận chính trị có trình độ chuyên môn cao đã có nhiều bài viết, nhiều công trình khoa học cung cấp được những luận cứ khoa học quan trọng, thuyết phục về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có độ lan tỏa cao, tầm ảnh hưởng xã hội lớn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong thời gian vừa qua, một bộ phận giảng viên các trường chính trị cấp tỉnh chưa thật sự có nhận thức và thái độ đúng đắn về tính cấp thiết, tầm quan trọng về nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đặc biệt là chưa nhận diện đúng và trúng các quan điểm sai trái, thù địch của các tổ chức, cá nhân chống đối, cơ hội chính trị. Ngoài ra, một số giảng viên lý luận chính trị chưa ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Biểu hiện của tình trạng này là sự bàng quan, thờ ơ trước những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch của các thế lực phản động; không có ý thức đấu tranh để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tự bằng lòng với nền tảng lý luận đã có sẵn, không nghiên cứu bổ sung, phát triển khiến cho kiến thức lý luận trở nên xơ cứng, lạc hậu, nghèo nàn so với những biến đổi của thực tiễn.
Một số giảng viên mới chỉ chú trọng đến công tác giảng dạy, chưa thực sự quan tâm đến việc viết bài về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; chưa đầu tư thời gian, công sức cho hoạt động nghiên cứu khoa học nên chưa có nhiều bài viết có chất lượng về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; cũng chưa có những bài viết đấu tranh trực diện với các quan điểm sai trái, thù địch. Hơn nữa, trình độ khai thác và sử dụng công nghệ thông tin của không ít giảng viên còn hạn chế, vì thế gặp nhiều khó khăn trong việc đấu tranh trên không gian mạng. Cá biệt, có một số giảng viên có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nên còn tùy tiện trong những phát ngôn, nói và làm không đúng với đường lối, cương lĩnh, quy định của Đảng và Nhà nước, có những biểu hiện hoang mang, dao động, hoài nghi vào Đảng, và chế độ. Đây không chỉ là hạn chế của đội ngũ giảng viên lý luận chính trị nói riêng mà của cả một bộ phận cán bộ, đảng viên nói chung đã được ta chỉ ra ở Đại hội XIII: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; một số ít hoang mang, dao động, mất lòng tin; cá biệt còn phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng”(1). Do đó, kết quả bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở các trường chính trị cấp tỉnh mới chỉ là bước đầu, còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, vướng mắc về cả nhận thức và hành động, cả nội dung và phương thức tiến hành, cả lực lượng tham gia và cơ chế, chính sách…
NÂNG CAO NHẬN THỨC, TRÁCH NHIỆM CỦA GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TRONG BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của giảng viên các trường chính trị cấp tỉnh trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cần chú trọng đến những giải pháp cơ bản như sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của giảng viên.
Việc tuyên truyền nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cho giảng viên các trường chính trị cấp tỉnh cần được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như thông qua việc quán triệt, triển khai nhiệm vụ tại các buổi họp đảng bộ, chi bộ, sinh họat chuyên môn. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền theo hướng gắn chặt lý luận với thực tiễn; gắn hoạt động nghiên cứu chuyên sâu như đề tài, hội nghị, hội thảo với tổng kết thực tiễn để giảng viên lý luận chính trị có cơ hội hiểu toàn diện, thấu đáo các nội dung, phương thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Ngoài ra, các trường chính trị cấp tỉnh cần quán triệt nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong những công việc cụ thể của giảng viên như giảng dạy, nghiên cứu khoa học; xây dựng quy định cụ thể, định mức rõ ràng đối với giảng viên trong thực hiện nhiệm vụ này; đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện của giảng viên.
Thứ hai, tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cho giảng viên.
Ban Chỉ đạo 35 các cấp cần thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn về kiến thức, kỹ năng cho giảng viên các trường chính trị cấp tỉnh nhằm trang bị cho giảng viên những kiến thức mới, những kỹ năng cần thiết trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nhất là kỹ năng nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch; viết tin bài đấu tranh phản bác; kỹ năng chia sẻ thông tin, tham gia các nhóm đấu tranh trên không gian mạng…
Ngoài ra, giảng viên các trường chính trị cấp tỉnh cũng cần được bồi dưỡng, tập huấn về tích hợp, lồng ghép nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong đào tạo trung cấp lý luận chính trị nhằm tăng tính đảng, tính chiến đấu cho các bài giảng; đồng thời định hướng cho học viên tham gia nhiệm vụ chính trị này để tạo thành một mạng lưới đấu tranh rộng khắp.
Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện cơ chế sử dụng, đánh giá, ghi nhận sự tham gia tích cực của giảng viên.
Để có một lực lượng giảng viên tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đông đảo, các trường chính trị cần làm tốt công tác lựa chọn, tuyển chọn, sàng lọc những người vừa có trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị; vừa có lập trường tư tưởng vững vàng, có nhiệt huyết cách mạng, có ý thức đấu tranh chống lại những cái xấu, những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch.
Ngoài ra, căn cứ vào đặc điểm tình hình của mỗi trường cùng với ưu điểm, thế mạnh của mỗi cá nhân, cần bố trí họ vào các nhiệm vụ cụ thể; có chính sách đãi ngộ phù hợp cả về vật chất và tinh thần để động viên, khích lệ. Kịp thời ghi nhận, đánh giá, khen thưởng những cá nhân, tổ chức tích cực, chủ động và đấu tranh có hiệu quả để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tích cực ghi nhận, lan tỏa những thành quả của các cá nhân, tổ chức tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Thứ tư, phát huy tinh thần tự giác, tích cực, sáng tạo của giảng viên.
Để có thể tham gia có hiệu quả vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, mỗi giảng viên trước hết cần tích cực học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ lý luận chính trị, bản lĩnh cách mạng và khả năng “miễn dịch” trước sự chống phá của các thế lực thù địch. Từ đó có ý thức tự giác, chủ động tuyên truyền, lan tỏa nhằm nâng cao ý thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đến học viên, sinh viên để huy động sức mạnh tổng hợp, tổng lực trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này.
Mỗi giảng viên cũng cần phải phát huy tinh thần nêu gương, tiên phong trong việc đấu tranh bảo vệ các quan điểm sai trái, thù địch trên mặt trận tư tưởng, lý luận và không gian mạng; luôn vững vàng, kiên định với nền tảng tư tưởng tư tưởng của Đảng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đại hội XIII: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”(2). Đây được coi là một trong những vấn đề “mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”(3).
Đội ngũ giảng viên các trường chính trị cấp tỉnh là những người có tầm ảnh hướng lớn đến học viên nên cần tiên phong, gương mẫu trong lời nói, việc làm, cẩn trọng trong những phát ngôn kể cả trên giảng đường và trên không gian mạng; chấp hành nghiêm túc những quy định của Đảng, của cơ quan, đơn vị về kỷ luật phát ngôn; luôn tỉnh táo trước những luận điệu kích động, mua chuộc của các thế lực thù địch; tạo niềm tin vững chắc và chỗ dựa tin cậy cho học viên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Đội ngũ giảng viên cũng cần quán triệt đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không phải là việc riêng của Đảng mà còn là việc chung, là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân”. Do đó, bên cạnh việc tự mình thực hiện nhiệm vụ, cần hướng dẫn, tuyên truyền cho học viên những kiến thức; kỹ năng; chú ý đến việc phát triển đội ngũ kế cận tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nhằm xây dựng lực lượng đấu tranh đông đảo, rộng khắp.
Nhằm thực hiện đúng phương châm: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”(4); mỗi giảng viên các trường chính trị cấp tỉnh cần nhận thức đúng vai trò, sứ mệnh của mình, từ đó có ý thức khắc phục những hạn chế, khó khăn để góp phần bảo vệ có hiệu quả nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
PGS.TS. Phạm Đức Kiên
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
—
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.II, tr.168.
(2) (3) (4) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.33, 33, 183.