Vì thế, Hồ Chí Minh và Đảng ta quan tâm đến xây dựng và phát triển báo chí cách mạng Việt Nam, coi đây là một trong những phương thức để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Nhờ đó, nền báo chí cách mạng Việt Nam đạt nhiều kết quả, đóng góp tích cực vào công cuộc kiến thiết nước nhà nói chung và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói riêng.
Cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý Nhà nước đối với hoạt động báo chí trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. |
Quan điểm của Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam về vai trò, trách nhiệm của báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị”, “chúng ta cần trước hết là tờ báo, không có nó thì không thể tiến hành một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền, cổ động hết sức có nguyên tắc và toàn diện” (1) báo chí cần “chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” (2); “cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới” (3). “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu” (4). Như vậy, báo chí là một bộ phận quan trọng của sự nghiệp cách mạng, là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân. Để làm được điều đó, Người yêu cầu: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới” (5).
Với người làm báo, Hồ Chí Minh quan niệm: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng” (6). Họ là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng của Đảng, góp phần quan trọng trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, Hồ Chí Minh yêu cầu người làm báo phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, trau dồi tư tưởng, học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động, phải luôn nâng cao trình độ văn hoá, rèn giũa nghiệp vụ, mài sắc ngòi bút của mình trong sự nghiệp cách mạng. Hồ Chí Minh căn dặn: “Về trách nhiệm báo chí, Lênin có nói: Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung. Vì vậy, nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hoá, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình. Cần phải luôn luôn cố gắng, mà cố gắng thì nhất định thành công” (7).
Để báo chí nói chung và người làm báo nói riêng làm được điều đó cần bảo đảm nguyên tắc: “Ban Chấp hành Trung ương phải kiểm soát các báo chí của Đảng để tránh những khuyết điểm về kỹ thuật và chính trị” (8). Người yêu cầu phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, trong đó có việc đưa đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam vào phụ trách báo chí của Đảng. Theo Hồ Chí Minh, muốn có đóng góp tích cực nhất vào công cuộc kháng chiến kiến quốc, báo chí phải tự giác phục tùng và tranh thủ tối đa sự lãnh đạo của Đảng. “Chính vì thế cho nên, tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v.) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng” (9).
Để khẳng định tính tất yếu phải có sự lãnh đạo của Đảng trong báo chí, Hồ Chí Minh chỉ dẫn: “Tờ báo của chúng ta có mấy điểm chính: 1. Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục, và tổ chức dân chúng, để đưa dân chúng đến mục đích chung. 2. Mục đích là kháng chiến và kiến quốc. Để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, thì: 3. Tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc. Vì vậy: 4. Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo. Muốn được dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là tờ báo của mình, thì: 5. Nội dung tức là các bài báo phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát. Và: 6. Hình thức tức là cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa. Hiện nay, các báo ta thường có những khuyết điểm sau đây: Về mặt tuyên truyền thì không kịp thời và chính trị suông quá nhiều” (10).
Quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về trách nhiệm của báo chí cách mạng, hơn 96 năm qua, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đao, chỉ đạo công tác báo chí. Đảng khẳng định: báo chí cách mạng phải làm tốt chức năng tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phát hiện, khẳng định và nhân rộng ra toàn xã hội cái hay, cái đẹp, những điển hình, những nhân tố mới; đồng thời, phải tích cực đấu tranh phê phán cái xấu, tiêu cực, uốn nắn những nhận thức lệch lạc, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cương lĩnh chính trị được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (sửa đổi, bổ sung tại Đại hội lần thứ XI) và tiếp tục khẳng định tại Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013:“Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động”. Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, đã xác định phải “phát huy vai trò của báo chí truyền thông”. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định:“Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng… Tích cực đấu tranh, phản bác có hiệu quả quan điểm sai trái của các thế lực thù địch” (11). Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định nhiệm vụ: Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông, sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị – xã hội, thuần phong mỹ tục.
Từ khi Nghị quyết 35 được ban hành, báo chí đã chủ động, tích cực tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Báo chí đã thể hiện rõ vai trò quan trọng trong tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Từ đó, góp phần khẳng định những thành tựu, tính ưu việt của chế độ, sự đúng đắn trong lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng và Nhân dân ta. Đặc biệt, hình ảnh con người Việt Nam vì cộng đồng trong ứng phó với đại dịch Covid-19 được báo chí truyền thông cập nhật thường xuyên, toàn diện, sáng tạo đến đông đảo nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Báo chí tích cực tham gia, tiên phong trong công tác đấu tranh, trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhiều cây bút – nhà báo chuyên sâu về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng với những bài viết có tính chiến đấu, thuyết phục cao… góp phần phản bác quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi các âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố và tăng cường niềm của Nhân dân. Có thể nói, báo chí đã góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Bên cạnh các kết quả đạt được, sự đóng góp của nhà báo vào công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng còn hạn chế. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do tri thức lý luận chính trị của một bộ phận đội ngũ báo chí chưa thực sự sâu sắc, nhận thức về các vấn đề cơ bản của chủ nghĩa – Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước còn hạn chế. Nguyên nhân của vấn đề này là một số cơ quan đại chúng chưa có chính sách bồi dưỡng lý luận chính trị thường xuyên, liên tục, hợp lý cho nhà báo; một số nhà báo còn ngại, lười học chính trị. Do đó, nhận thức về bảo vệ nền tảng của Đảng chưa toàn diện, coi bút chiến là chính mà chưa chú trọng đến tuyên truyền cái hay, cái đẹp để chứng minh điều ngược lại. Nhiều bài viết chưa xác định rõ đối tượng mình hướng đến để đấu tranh, tuyên truyền, từ đó cách viết, ngôn từ chưa thực sự phù hợp.
Nâng cao vai trò của báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Để phát huy vai trò của công tác báo chí trong công tác đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau.
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý Nhà nước đối với hoạt động báo chí trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Báo chí phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và Đảng lãnh đạo trực tiếp toàn diện báo chí bằng đường lối, chủ trương, chính sách, những định hướng lớn và nội dung tư tưởng đối với báo chí, bằng công tác cán bộ đối với các tổ chức cơ quan báo chí. Nghị quyết Trung ương 5 (khoá X) về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí đã nhấn mạnh phải hoàn thiện cơ chế chính sách và luật pháp.
Chủ trương của Đảng phải được thể chế hóa thành hệ thống pháp luật, thể chế liên quan lĩnh vực báo chí, truyền thông và công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong đó, chú trọng các văn bản pháp luật tạo hành lang pháp lý cho báo điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông trên internet phát triển, phục vụ sự nghiệp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Các cơ quan chức năng cần tham mưu sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016 và các luật liên quan; xây dựng cơ chế, chính sách kinh tế báo chí, đặt hàng báo chí, truyền thông phục vụ nhiệm vụ chính trị; chính sách đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp và lý luận chính trị cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, truyền thông.
Hai là, nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác báo chí nói chung và đội ngũ làm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng nói riêng.
Cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí ngoài tri thức, hiểu biết về báo chí, cần có trình độ lý luận chính trị, hiểu biết về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước. Người lãnh đạo cũng cần có khả năng vận dụng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào công tác chỉ đạo báo chí. Đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch không được áp đặt chủ quan, không dùng mệnh lệnh hành chính đơn thuần; phải lấy thực tiễn khách quan làm tiêu chuẩn, thước đo để đấu tranh, phê phán, bác bỏ. Cùng với việc đấu tranh, phê phán, bác bỏ các quan điểm thù địch, sai trái cần khẳng định, tuyên truyền, phổ biến những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khẳng định những thành tựu trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta. Mặt khác, người cán bộ lãnh đạo báo chí cần có năng lực, bản lĩnh về chuyên môn, nghiệp vụ để có thể ra quyết định đăng tải tin, bài; bảo đảm đặt lên hàng đầu lợi ích của Đảng, quốc gia, dân tộc, Nhân dân.
Người làm báo nói chung phải có lập trường chính trị vững vàng, nhà báo phải là chiến sĩ trên mặt trận đấu tranh cách mạng. Do đó, lập trường chính trị tư tưởng vững chắc là tiêu chuẩn và là yêu cầu hàng đầu đối với mỗi người làm báo. Cần đa dạng các hình thức đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, báo chí, như: học tập chính trị, thảo luận chuyên đề, thực tiễn tác nghiệp báo chí hoặc thông qua sinh hoạt của chi bộ, đoàn thanh niên, công đoàn… Thông qua các hình thức này đội ngũ phóng viên, biên tập viên không chỉ nắm vững quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những chủ trương và chỉ đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước,… mà còn có điều kiện thể hiện chính kiến quan điểm của mình, thể hiện tin, bài một cách khách quan, khoa học.
Ba là, tăng cường đầu tư các nguồn lực cho các cơ quan báo chí, truyền thông và công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Chú trọng rà soát, hoàn thiện cơ chế tài chính đối với công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói chung và các cơ quan báo chí nói riêng. Rà soát, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện quy định, hướng dẫn về chế độ tài chính đối với tin bài, ấn phẩm đấu tranh phản bác trên báo chí, truyền thông và trên không gian mạng. Có chế độ khuyến khích đội ngũ báo chí trong tuyên truyền thành tựu phát triển kinh tế – xã hội, những mô hình mới, nhân tố mới, người tốt việc tốt… Đồng thời, cần đầu tư tài chính phù hợp cho việc trang cấp trang thiết bị hiện đại cho cơ quan báo chí, trong đó, ưu tiên cho đội ngũ là công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Nguyễn Hải Liên
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Tài liệu tham khảo:
1. Lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam (1925 – 2010), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr. 46.
2. Hồ Chí Minh,Toàn tập, tập 12, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.171
3. Sđd, Hồ Chí Minh,Toàn tập, tập 12, tr.166
4. Sđd, Hồ Chí Minh,Toàn tập,tập 12, tr.166
5. Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, tr. 540
6. Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, tr. 466
7. Sđd,Hồ Chí Minh,Toàn tập,tập 12, tr.166
8. Sđd, Hồ Chí Minh,Toàn tập,tập 3, tr.168
9. Sđd, Hồ Chí Minh,Toàn tập,tập 12, tr.166
10. Sđd, Hồ Chí Minh,Toàn tập,tập 6, tr.102
11. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.II, tr. 324, NXBCTQG ST- H, 2021.